Skip to content Skip to navigation

Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình 30 năm tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc

Rời Tổ quốc tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc vào tháng 6-1911 để rồi 30 năm sau, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mới trở về. 30 năm là một chặng đường dài qua các đại dương và lục địa, gặp gỡ bao con người, trải qua nhiều gian lao, thử thách, ghi nhận sự trưởng thành của một con người về tuổi đời, về nhận thức, về tư tưởng; từ thân phận một người dân mất nước trở thành một chiến sĩ cộng sản đầy năng lực và sáng tạo. Nhưng điều vô cùng sâu sắc và ý nghĩa là tầm vóc, tư tưởng lớn mãi mãi được ghi nhận và phát huy trong suốt hành trình tìm đường cứu nước của Người trước đây và trên con đường đổi mới và hội nhập hiện nay.

NGƯỜI TÌM THẤY CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VIỆT NAM

 

Được nhận làm phụ bếp trên tàu L’Amirale Latouche Tresville, với lương tháng 45 franc, ngày 3-6-1911, Người (với tên gọi mới là Văn Ba) đã chính thức nhận việc và ngày 5-6-1911, tàu nhổ neo rời bến cảng Nhà Rồng đưa Người hướng tới nước Pháp. Hành trình chuyến đi như sau: Ngày 5-6, tàu rời bến cảng Nhà Rồng, ngày 8-6, tàu tới Singapore, 14-6, tàu ghé Colombo (Sri Lanka), ngày 30-6, tới Port Said (Ai Cập) và ngày 6-7 tàu cập cảng Marseille, miền Nam nước Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình 30 năm tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc

Ngày 5-6-1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville, bắt đầu cuộc hành trình tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình 30 năm tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc

Trang sổ lương của các thủy thủ tàu Amiral Latouche Tréville năm 1911, thủy thủ mang tên Văn Ba là Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Ảnh chụp lại.

 

Sau khi kết thúc chuyến thứ hai, tàu L’Amiral Latouche Tréville được đưa vào xưởng sửa chữa để bảo dưỡng định kỳ còn Nguyễn Tất Thành theo chủ tàu về làm vườn cho gia đình ông tại Sainte-Adresse, một thị trấn đẹp ở vùng ngoại ô thành phố cảng Le Havre (miền Tây Bắc nước Pháp) đợi cơ hội cho những chuyến đi tiếp. Với sự giúp đỡ của chủ tàu, Nguyễn Tất Thành được nhận làm lao công cho một tàu chở hàng của Hãng Năm Sao đi châu Phi và châu Mỹ vào đầu năm 1912. Nếu như những chuyến đi trước Người có dịp cập cảng các nước từ Tây Thái Bình Dương sang bờ Đông Ấn Độ Dương qua kênh đào Suez về Pháp thì chuyến đi này Người có dịp vòng qua Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cập cảng các thuộc địa Pháp ở Bắc Phi và miền Tây châu Phi như Ai Cập, Algérie, Tunisia, Congo, Sénégal, Guinée, Dahomey… Đến đâu Người cũng thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị, tạo nên ở Người mối đồng cảm sâu sắc với số phận chung của nhân dân các nước thuộc địa.

Nguyễn Tất Thành theo con tàu tiếp tục đi qua Martinique (Trung Mỹ), Argentina, Uruguay (Nam Mỹ) và dừng lại ở nước Mỹ cuối năm 1912. Trong thời gian tàu dỡ hàng và cất hàng, Người tranh thủ đi xem xét nhiều nơi, từ những khu phố hoa lệ nổi tiếng thế giới, những tòa nhà cao chọc trời đến những ngôi nhà ổ chuột ở khu Harlem, New York. Từ trải nghiệm thực tế đó, Người đã sớm nhận ra bộ mặt thật của đế quốc Hoa Kỳ đằng sau những tuyên ngôn, hiến chương về quyền con người, quyền tự do dân chủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình 30 năm tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc

Bàn chân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ.

 

Giữa năm 1913, Nguyễn Tất Thành trở lại Le Havre và đến nước Anh, nơi Người đã trải qua những tháng ngày lao động vất vả: cào tuyết cho một trường học, đốt than dưới hầm lò, làm việc ở khách sạn Drayton Court rồi làm phụ bếp trong khách sạn Carlton. Vừa kiếm sống, Nguyễn Tất Thành vừa học tập và hăng hái tham dự những cuộc diễn thuyết ngoài trời của nhiều nhà chính trị và triết học, tham gia Hội những người lao động hải ngoại (một tổ chức bí mật của những người lao động châu Á trên đất Anh), theo dõi những tin tức của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình 30 năm tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc

Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp ở khách sạn Carlton tại nước Anh, năm 1913.

 

Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ biệt London trở lại nước Pháp - địa chỉ mà Người muốn hướng tới từ ngày rời đất nước. Người chuyển qua nhiều chỗ ở, từ một căn buồng ở phố Charonne đến căn nhà số 6, phố Villa des Gobelins, quận 13… rồi nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, một trong những khu lao động nghèo nhất của Paris. Người cũng trải qua nhiều nghề để kiếm sống, khi thì làm thuê cho một hiệu ảnh, khi thì vẽ thuê cho một xưởng "đồ cổ mỹ nghệ Trung Hoa". Tuy cuộc sống vất vả và giữa vòng vây của mật thám Pháp, nhưng Người vẫn kiên trì, hăng say học tập và hoạt động. Người thường xuyên gặp gỡ với những người Việt Nam ở Pháp, có tư tưởng và khuynh hướng tiến bộ như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, đồng thời tìm hiểu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của nước Pháp, từ đó từng bước tham gia vào cuộc đấu tranh của phong trào công nhân và lao động Pháp.

Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp "chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái" [2]. Giữa năm 1919, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam (ký tên Nguyễn Ái Quốc) tới Hội nghị các nước đế quốc họp tại Versailles. Đây là tiếng nói chính nghĩa đầu tiên của đại biểu phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, cũng là sự xuất hiện lần đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc trên vũ đài chính trị. Mặc dù Yêu sách chỉ nêu những yêu cầu tối thiểu trong khuôn khổ cải cách, nhưng đã không nhận được một lời phúc đáp. Từ thực tế ấy, Nguyễn Ái Quốc kết luận:" Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình"[3].

Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình 30 năm tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc

Bản yêu sách Tám điểm của nhân dân Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc và nhóm người Việt Nam yêu nước gửi Nghị viện Pháp và các đoàn đại biểu dự Hội nghị Vécxây (6-1919)

 

Sự kiện vô cùng quan trọng làm chuyển biến cơ bản nhận thức con đường cứu nước giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc là ngày 16 và 17-7-1920, lần đầu tiên ở Pháp, báo Nhân đạo (L’Humanite), cơ quan của Đảng Xã hội Pháp công bố tác phẩm quan trọng của Lênin: “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”. 9 năm sau ngày rời Tổ quốc, cầm tờ báo ở trang ba đăng văn kiện của Lênin, người thanh niên yêu nước thấy bừng lên một ánh sáng mới. Văn kiện lịch sử của Lênin mở ra trước mắt Người một chân trời mới rực rỡ và là ngọn đèn soi đường giải phóng cho đồng bào của Người đang rên xiết dưới ách thực dân.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file.qdnd.vn/data/images/0/2024/02/07/upload_2089/bannercmnm.jpg" class="vllogo"></a>

V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva trước các đơn vị tham gia khóa huấn luyện quân sự toàn dân, ngày 25-5-1919. Ảnh Tư liệu

Sự kiện được đọc Luận cương của Lênin cùng với những hoạt động sát cánh với công nhân, trí thức Pháp và các đại biểu thuộc địa cùng đồng bào mình trên đất Pháp trước đó đã tạo tiền đề quan trọng để Nguyễn Ái Quốc vững bước tới tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours tháng 12-1920. Tại Đại hội, Người cùng với những nhà hoạt động chính trị và vǎn hoá nổi tiếng của Pháp như: Marcel Cachin, Paul Vaillant Couturier... bảo vệ chủ nghĩa Mác, chống lại những người cơ hội. Cũng tại Đại hội này, Người bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Lúc ấy là rạng sáng ngày 30-12-1920. Thời khắc đó xuất hiện người cộng sản Việt Nam đầu tiên là Nguyễn Ái Quốc. Thời khắc đó đánh dấu sự kiện Người từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa Lênin và quyết tâm bước theo ánh sáng tư tưởng Lênin. Cuối cùng Người cũng đã tìm thấy con đường giải phóng không chỉ phá vỡ xiềng xích cho dân tộc Việt Nam mà còn là niềm hy vọng chung cho các dân tộc thuộc địa khác trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình 30 năm tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc

Thẻ đảng viên Đảng Cộng sản Pháp của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG CỨU NƯỚC ĐẾN THẮNG LỢI

Thẻ đại biểu tư vấn Đại hội V Quốc tế Cộng sản của đồng chí Nguyễn Ái Quốc năm 1924. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh)

Thẻ đại biểu tư vấn Đại hội V Quốc tế Cộng sản của đồng chí Nguyễn Ái Quốc năm 1924. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh)

Được Đảng Cộng sản Pháp cử đi Moskva (Liên Xô) dự Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản, ngày 30-6-1923, Nguyễn Ái Quốc đã đến Petrograd, quê hương của Cách mạng Tháng Mười và ít ngày sau Người lên xe lửa đi Moskva. Trên đất nước của Lênin, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động, học tập để hướng tới con đường giải phóng dân tộc và góp phần phát triển tư tưởng độc lập tự do cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Ngoài viết báo, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu sử dụng các phương tiện thông tin mới chưa có trước đó như truyền đơn, diễn đàn. Đó là các văn kiện, thư từ của Quốc tế cộng sản và của Người nhân danh Quốc tế Cộng sản gửi cho nhân dân Việt Nam; là truyền đơn, là các bài phát biểu, tham luận tại Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Nông dân, Công hội, Thanh niên… Thời gian hoạt động ở Moskva cũng là thời gian Nguyễn Ái Quốc tham dự nhiều hội nghị quốc tế lớn như Đại hội I Quốc tế Nông dân, Đại hội V Quốc tế cộng sản, Đại hội III Quốc tế công hội đỏ, Đại hội IV Quốc tế thanh niên… Tại diễn đàn của các đại hội, Người đã nói lên tiếng nói của nhân dân thuộc địa bảo vệ những luận điểm đúng đắn của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, và tuyên truyền những tư tưởng cách mạng của mình trên lập trường mácxít. Những lời phát biểu của Người đã để lại ấn tượng đẹp đẽ trong lòng các đại biểu, đặc biệt là đại biểu từ các nước thuộc địa và phụ thuộc Á, Phi, Mỹ Latinh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình 30 năm tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc

Ảnh trái: Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành Tours, Nguyễn Ái Quốc tham dự với tư cách là đại biểu Đông Dương, tháng 12-1920.

Ảnh phải: Từ ngày 25 đến ngày 30-12-1920, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương.

 

Cùng với hoạt động thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc luôn hiểu sâu sắc việc cần phải học tập nâng cao nhận thức lý luận về chủ nghĩa Mác-Lênin. Cho nên, cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã tranh thủ tham gia lớp học ngắn hạn của trường Đại học Phương Đông. Học xong lớp ngắn hạn tại Đại học Phương Đông, trong khi chờ đợi Đại hội V Quốc tế Cộng sản khai mạc và chờ lên đường về châu Á, Nguyễn Ái Quốc được nhận vào làm cán bộ của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản (theo giấy xác nhận do Petrov ký ngày 14-4-1924).

Nguyễn Ái Quốc và một số đại biểu Bungaria tham dự Đại hội V Quốc tế cộng sản, tháng 6-1924.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình 30 năm tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5 ở Moskva và lần tiếp xúc với nhân dân Moskva (Nga) trên đồi Chim Sẻ, trong thời gian tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản (17-6 đến 8-7-1924).

 

Với những hoạt động và kinh nghiệm tích lũy được, Nguyễn Ái Quốc mong muốn được trở về, góp sức mình thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Ngày 11-11-1924, Người về đến Quảng Châu, Trung Quốc, gần hơn với Tổ quốc thân yêu. Tại Quảng Châu, nơi được coi là trung tâm cách mạng của châu Á, Người đã chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức để xúc tiến cho sự ra đời của một chính Đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình 30 năm tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc

Nguyễn Ái Quốc giảng bài tại lớp huấn luyện cán bộ cách mạng tại Quảng Châu (Trung Quốc) - Ảnh chụp lại tranh.

 

Mở lớp huấn luyện chính trị, thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên năm 1925, sáng lập báo Thanh niên tháng 6-1925, tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, về Đảng Cộng sản, về cách mạng tháng Mười Nga, xuất bản tác phẩm Đường Kách mệnh đầu năm 1927... lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đem đến cho những thanh niên Việt Nam yêu nước, những người chủ tương lai của nước nhà, những người cũng giống như cha anh mình phải sống trong thân phận nô lệ, một luồng sinh khí mới, một con đường cách mạng mới. Bằng khát vọng tuổi trẻ và kinh nghiệm của chính bản thân mình, Người muốn thức tỉnh thanh niên, truyền cho họ con đường cách mệnh, để đi tới thức tỉnh cả dân tộc, đó là phương pháp cách mạng đúng đắn, thể hiện một tầm nhìn vĩ đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình 30 năm tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc

Giữa năm 1927 Nguyễn Ái Quốc trở lại Liên Xô, thực hiện nhiệm vụ do Quốc tế Cộng sản giao ở Pháp, Bỉ, Đức, Thụy Sĩ, Italia rồi về Xiêm, Thái Lan, Trung Quốc. Từ những định hướng chính trị nêu trên, cùng với việc chuẩn bị về mọi mặt; việc truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin vào trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước, Người và những người Việt Nam yêu nước đã ngày mỗi ngày góp phần đưa tư tưởng của thời đại mới về Việt Nam, đưa đến sự chuyển biến về chất trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước mà kết quả là sự ra đời của ba tổ chức cộng sản ở ba miền đất nước cuối năm 1929. Nguy cơ phân liệt, mất đoàn kết, sự tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau của các tổ chức cộng sản đã đưa đến việc Hồ Chí Minh quyết định viết thư mời và triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (từ 6-1 đến 8-2-1930) tại Hương Cảng. Đây là một quyết định kịp thời, sáng suốt, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trong cả hoạt động lý luận và thực tiễn. Người đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, trở thành người sáng lập Đảng ta – Đảng của giai giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Một thời kỳ mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân cả nước đã được mở ra: Thời kỳ giai cấp công nhân với đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo phong trào cả nước theo con đường cách mạng vô sản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình 30 năm tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc

Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 1930. Ảnh vẽ của họa sĩ Phan Kế An.

 

Cuộc hành trình của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong gần 10 năm tiếp theo đầy gian nan, thử thách, gian khổ và hy sinh: không chỉ gặp thử thách về con người mà ngay cả tư tưởng của Người cũng gặp thử thách; những thử thách lớn với Người xuất hiện không chỉ từ phía kẻ thù, mà còn từ trong nội bộ những người cách mạng. Từ giữa năm 1931 đến năm 1933, Nguyễn Ái Quốc bị thực dân Anh bắt giam. Đầu năm 1934 sau khi thoát khỏi nhà tù, Người trở lại Moskva. Khoảng thời gian gần 5 năm (1934-1938), Người phải sống trong bầu không khí nghi ngờ bao trùm, trong những xáo động của Quốc tế cộng sản...

Nhưng kiên định với sự lựa chọn, cách làm của mình, đồng thời giữ vững nguyên tắc tổ chức của Đảng, không chịu sức ép của hoàn cảnh đã giúp Nguyễn Ái Quốc vượt qua khó khăn, thử thách, đồng thời bảo vệ và phát triển đường lối đúng đắn của mình đã lựa chọn cho Đảng, cho dân tộc.

Nét đặc sắc nhất cuộc hành trình cứu nước 30 năm là không bao giờ Nguyễn Ái Quốc xa rời mục đích về nước cứu đồng bào. Khi ở Liên Xô dự Đại hội lần thứ VI Quốc tế Thanh niên, Người nói với nhà văn I. Ehrenburg: "Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc". Khi đang hoạt động trong Bát lộ quân Trung Quốc, Người vẫn bí mật liên lạc với Ban lãnh đạo Đảng trong nước chuẩn bị xây dựng căn cứ địa vùng biên giới Việt Trung. Cuối tháng 6-1940, ngay sau khi Pháp đầu hàng phát xít Đức, Người chỉ thị gấp cho đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp không đi học Trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Diên An nữa mà cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh đi Quế Lâm, Nam Ninh (Quảng Tây) hướng về Cao Bằng đón thời cơ mới. Đầu năm 1941, sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kết thúc Hành trình cứu nước, về vùng rừng núi Cao Bằng - địa đầu Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo dân tộc thực hành đường lối cứu nước mới, mở ra giai đoạn mới trong công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình 30 năm tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc

Ngày 28-1-1941 (tức mồng 2 Tết Tân Tỵ), Người trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tranh: TRỊNH PHÒNG

 

Như vậy là, hoài bão lớn lao của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành cách đây hơn một thế kỷ đã trở thành sự thật. Từ một sự khởi đầu đúng đắn, với ý chí, quyết tâm và sự phấn đấu không mệt mỏi cho con đường mình đã chọn, Hồ Chí Minh - Người ra đi từ bến Nhà Rồng, đã tìm thấy con đường và lãnh đạo nhân dân Việt Nam đi đến độc lập và thống nhất, tự do và hạnh phúc, ngày một phát triển và bền vững.